Cần đạt chuẩn và rõ ràng Biển báo trên cao tốc
Tin tức trên báo Danviet, ông Bùi Đình Tuấn – Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường bộ cao tốc Việt Nam (đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai) cho hay, tuyến cao tốc được đưa vào khai thác năm 2014. Khi đó, chủ đầu tư đã lắp đặt biển báo chỉ dẫn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 41/2012.
Biển báo trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.
“Thời điểm này, quy chuẩn nêu trên vẫn đang có hiệu lực, do vậy, chúng tôi phải lắp đặt biển báo chỉ dẫn theo kích thước, cỡ chữ theo quy định. Còn cao tốc Hà Nội- Hải Phòng được đưa vào khác năm 2015. Lúc này, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 83/2015 (thay thế quy chuẩn năm 2012) đang có hiệu lực nên chủ đầu tư lắp đặt biển chỉ dẫn theo quy chuẩn này. Cũng do vậy, mà biển báo chỉ dẫn ở tuyến cao tốc Hà Nội- Hải Phòng to và rõ ràng hơn so với các tuyến cao tốc khác”, ông Tuấn giải thích.
Theo ông Tuấn, biển báo chỉ dẫn đường trên tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai hiện nay đạt chuẩn theo Quy chuẩn năm 2012. Biển báo chỉ dẫn trên tuyến đủ rõ, không gây khó khăn cho lái xe.
“Tuy nhiên, để nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, chúng tôi đã báo cáo Bộ GTVT và xin thay thế các biển báo chỉ dẫn trên tuyến theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ 41/ 2016 (quy chuẩn mới nhất hiện nay). Do kinh phí thay biển báo lớn, nên việc thay biển báo sẽ bắt đầu từ năm 2017 và theo lộ trình”, ông Tuấn nói.
Một số lái xe phản ánh cách đặt tên biển chỉ dẫn cho các lối ra vào đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai cũng chưa đồng nhất. Tại các nút giao thường lấy tên kỹ thuật (IC4; IC6…) trong khi đó lái xe thường hay nhìn tên địa danh (huyện, tỉnh) để rẽ, chuyển hướng.
Ông Tuấn nói rằng: “Trước các vị trí nút giao khoảng 1km đều có biển chỉ dẫn rõ ràng lối rẽ đi đâu, đi hướng nào, khoảng cách 500m lại có biển chỉ dẫn nhắc lại để lái xe biết. Còn các ký hiệu IC4 hay IC6 chỉ là ký hiệu để chúng tôi quản lý tuyến đường cho dễ dàng, không phải là ký hiệu để lái xe nhìn vào đó chọn hướng đi”.
Ông Lại Huy Xuân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quản lý đường bộ 238, (đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên) cho biết, biển báo chỉ dẫn trên tuyến cao tốc cũng được lắp đặt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ năm 2012. Hiện nay, biển chỉ dẫn đường trên tuyến cao tốc rõ, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Trước đó đã đưa tin, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 16h ngày 19/11 tại Km40+800 trên cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên. Xe đầu kéo kéo theo rơ-moóc và xe Inova chạy cùng chiều xảy ra va chạm mạnh khiến 4 người tử vong và 6 người khác bị thương nặng.
Ngay khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc, người dân đã đưa những người bị nạn đi bệnh viện cấp cứu. Sau đó, lực lượng CSGT Thái Nguyên có mặt bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Trả lời trên báo Đất Việt, ngày 22/11, ông Nguyễn Mạnh Thắng – Quản trị viên của diễn đàn OtoFun cho biết: “Trong thời gian qua, trên diễn đàn OtoFun đã có quá nhiều hình ảnh đăng tải việc tài xế cho xe quay đầu chạy ngược, lùi xe khi đi quá lối rẽ trên đường cao tốc.
Và tai nạn vừa rồi xảy ra như một kết quả tất yếu cho sự tùy tiện về ý thức của người tham gia giao thông (nhất là tham gia giao thông trên đường cao tốc), hậu quả là nhiều người vô tội bị chết oan”.
Ở góc độ khác, nói về khái niệm “Cao tốc”, ông Thắng cho hay: “Ở nước ngoài không còn lạ, nhưng ở Việt Nam thì còn khá xa lạ, khi mà cả nước ta mới có 750km đường cao tốc.
Sự tùy tiện khi tham gia giao thông trong nội thị, huyện lộ, tỉnh lộ rất phổ biến như: tạt đầu, vượt ẩu, đi ngược chiều, lùi xe không quan sát, không kiểm tra áp suất lốp, lốp mòn đi cố, phanh hiệu lực kém và ăn vào ý thức của lái xe. Vì vậy mang ý thức này khi tham gia giao thông trên đường cao tốc thì trước sau cũng sẽ xảy ra tai nạn”.
Còn riêng về các loại biển chỉ dẫn trên đường cao tốc, theo ông Thăng hiện nay không đủ to và rõ ràng nên mới khiến cho tài xế khi lái xe với tốc độ cao không quan sát kịp để ra quyết định cũng là một trong những nguyên nhân mất an toàn giao thông.
Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;”
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.”
Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.