4 yếu tố đón đầu xu hướng vận tải hàng hóa đường bộ

Ngành kho vận, trong đó có vận tải hàng đường bộ là một trong những ngành phát triển “nóng” tại Việt Nam hiện nay do nhu cầu thị trường tăng trưởng cao và ổn định. Các doanh nghiệp vận tải đang đứng trước cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức sau khi hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa cần có sự chuẩn bị và đón đầu 4 xu hướng dưới đây để tận dụng cơ hội, tạo bước đột phá cho doanh nghiệp.

Lao động có trình độ cao

Sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực, môi trường cạnh tranh của ngành vận tải bắt đầu có sự dịch chuyển. Ngành vận tải Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu điều đó xảy ra, không chỉ sự chênh lệch về vốn, năng lực quản lý mà trình độ nguồn nhân lực cũng trở thành yếu tố cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường bộ.

Ngành vận tải hàng hóa đường bộ cần đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực có trình độ cao

 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải đào tạo và tuyển dụng các lao động có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt là chuyên viên có trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm, được đào tạo chuyên nghiệp về các nghiệp vụ ngành logistics. Những lao động này cần được kết hợp chương trình đào tạo chính quy lẫn đào tạo nội bộ để có khả năng vận dụng linh hoạt theo tình hình kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.

Hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử mang đến cơ hội lớn cho ngành vận tải hàng hóa. Điều đó được khẳng định bằng sự ra đời của nhiều công ty khai thác dịch vụ kho vận, đặc biệt là chuyển phát nhanh với dịch vụ linh hoạt từ đóng gói, lưu kho, vận chuyển, thanh toán…Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ hiện nay vẫn tập trung vào khai thác dịch vụ một cách đơn lẻ, chỉ phục vụ được một số nhu cầu, đối tượng khách hàng nhất định. Đó có thể là rào cản cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp giai đoạn hiện nay khi môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự tham gia của nhiều đối thủ mạnh.

Xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ chuyên nghiệp

 

Để không bị lạc hậu trong cuộc đua này, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ cần tập trung xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ một cách chuyên nghiệp bằng cách hoàn thiện mô hình dịch vụ từ kho bãi, phân loại và đóng gói hàng hóa, vận chuyển đến phân phối…Cần nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường và bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng để khai thác hết tiềm năng của thị trường vận tải hàng hóa.

Vận tải hàng hóa đa phương thức

Vận tải hàng hóa đa phương thức được đánh giá là “xương sống” của thương mại quốc tế bởi khả năng tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả, đồng thời đáp ứng được nhu cầu về các dịch vụ giao nhận tận nơi (door to door). Việc tối ưu hóa phương thức vận tải cũng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình quản lý cho khách hàng và giảm bớt sự quá tải ở một số phương thức truyền thống, giúp nâng cao tần suất và hiệu suất của hoạt động vận tải.

Tuy nhiên hiện nay, mô hình vận tải đa phương thức tại Việt Nam còn khá đơn giản và chỉ được ứng dụng ở một số doanh nghiệp theo hình thức kết hợp đơn giản 2 phương thức như đường bộ – đường hàng không, đường bộ – đường sắt, đường bộ – đường biển…Những doanh nghiệp áp dụng mô hình này hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có quy mô lớn.

Vận tải đa phương thức là xu hướng tất yếu của ngành vận tải

 

Xu hướng chuyên môn hóa trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có vận tải. Việc phát triển hình thức vận tải hàng hóa đa phương thức cũng nằm trong xu hướng đó. Vì hầu hết có quy mô nhỏ, điều mà các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ nên làm là mở rộng quy mô dịch vụ và liên kết với các doanh nghiệp vận tải có thế mạnh ở các phương thức vận tải khác khác để hình thành chuỗi dịch vụ vận tải đa phương thức, đồng thời nâng cao trình độ quản lý và nhân lực hiện có để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo mô hình liên kết được vận hành trơn tru.

Ứng dụng công nghệ 4.0

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có ngành vận tải hàng hóa. Không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát quy trình, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình vận tải còn giúp doanh nghiệp cắt giảm được nguồn nhân lực thủ công và nâng cao hiệu suất vận hành của doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp để tiết kiệm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào quy trình vận tải. Hoặc một số doanh nghiệp đã ứng dụng nhưng còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng các phần mềm hỗ trợ như định vị, khai báo thủ tục online. Còn các trình độ cao hơn như ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, Blockchain, trí tuệ nhân tạo AI, robot…vẫn còn là khái niệm khá xa lạ.

Ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành vận tải để tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực

 

Để bắt kịp với xu hướng toàn cầu hóa và không lạc hậu so với đối thủ là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp vận tải cần phải bắt đầu tiếp cận và nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến để cải thiện quy trình, tối ưu chi phí và nâng cao năng lực quản lý cũng như chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *